Các dự án sẽ được tài trợ, nhưng sẽ chả mất một tí phần trăm cổ phần nào cả. Đây là một điểm tạo động lực cực kì tốt cho những nhà phát triển ý tưởng.

Trong bối cảnh công nghệ blockchain đang ở đầu dốc của sự phát triển và rất nóng sốt trong những năm qua. Sự ứng dụng trên nền blockchain giờ đây không chỉ dừng lại ở việc phát hành các đồng cryptocoin mà đã đẩy mạnh phát triển hơn về mặt ứng dụng cho xã hội. Đi đầu có lẽ là cộng đồng Etherium với hàng loạt những game, dApp được thiết kế trên nền tảng ERC20. Hàng ngàn NFT game, marketplace, các metaverse, và các dApp được các team phát triển để thỏa mãn nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, mặt hạn chế của nền tảng ERC20 là một rào cản lớn trong việc phát triển ứng dụng. Khả năng mở rộng là thách thức lớn đối với Ethereum. Với tình hình hiện tại, một giao dịch vào lúc cao điểm sẽ dẫn đến phí cao và sự chậm trễ, mà bình thường thì gas fee cũng đã cao rất nhiều so với những hoạt động giao dịch nhỏ rồi, chắc bạn cũng như tôi có điên mà trả phí gas hết vài trăm đô cho một tài sản mua chỉ vài chục đô nhỉ.

Vì lý do đó mà hàng loạt những network mới được phát triển nhằm mục đích thay thế cho nền tảng ERC20 của Etherium. Trong đó đi đầu có lẽ là Cardano, với khả năng mở rộng mạnh mẽ mà không có ảnh hưởng lớn tới bảo mật. Lần đầu tiên thử nghiệm vào năm 2017, nó có thể xử lý được 257 giao dịch mỗi giây – cách xa rất nhiều so với Bitcoin là 4.7 và Etherium là 15-20. Rõ ràng, điều này sẽ giúp cho mạng lưới Cardano chiếm được ưu ái từ các nhà phát triển nhiều hơn trong tương lai. Cardano là nền tảng được phát triển bởi các kỹ sư, học giả và một người đồng sáng lập Ethereum và nó là blockchain đầu tiên được đánh giá ngang hàng và phát triển về mặt học thuật bởi một nhóm các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Nhưng một điểm nổi bật mà tôi cảm nhận thấy ổ Cardano ecosystem đó là văn hóa phi tập trung được thể hiện rõ ràng từ gốc đến ngọn. Và rõ nhất ở dự án Catalyst, nơi kiến tạo một cách chủ động các dự án ứng dụng, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng cho Cardano ecosystem hiện tại và tương lai.

Tóm tắt ngắn gọn về Catalyst theo như tôi trải nghiệm thì nó giống như chương trình funding cho các startup, các ý tưởng khởi nghiệp vậy. Nhưng nó có những điểm cực kì đặc biệt mà chưa một bên nào có đó là:

  • Phi Tập Trung

    Sự quyết định tài trợ cho dự án đấy hay không, nằm trong tay cộng đồng phi tập trung. Chứ không phải nằm trong tay một tổ chức tập trung nào cả.

  • Bảo Toàn Cổ Phần

    Dự án sẽ được fund, nhưng sẽ chả mất một tí phần trăm cổ phần nào cả. Đây là một điểm tạo động lực cực kì tốt cho những nhà phát triển ý tưởng.

  • Không Giới Hạn Ý Tưởng

    Catalyst project được áp dụng cho toàn cầu, không giới hạn ý tưởng, không giới hạn vị trí địa lý. Nó khác với một số sàn crowdfunding trên toàn cầu như Kickstarter, Indiegogo giới hạn ở Mỹ hoặc cấm một số nước.

Và nhờ việc chủ động phát triển cộng đồng Catalyst để phát triển các ý tưởng trên nền tảng Cardano như thế mà giá trị của Cardano ecosystem ngày càng lớn mạnh. Mặc dù hiện tại các dự án vẫn đang trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên Cardano được đánh giá là nền tảng có người dùng trung thành nhất và cộng đồng lớn nhất trong thế giới blockchain. Bạn sẽ thấy rằng đồng ADA của Cardano không giống như những đồng meme coin khác lên xuống thất thường, điều đó một phần nào chứng minh được tính ổn định và sự trung thành của các nhà đầu tư.

Quay lại dự án Catalyst, là chủ đề chính của bài blog này. Tôi sẽ giới thiệu dự án được vận hành thế nào sau đây.

Các vòng Funding

"Mỗi một vòng funding tại Catalyst project sẽ được diễn ra trong vòng 12 tuần"

Thời gian đôi khi có chênh lệch 1-2 tuần tùy vào tình hình cụ thể ở bên trong. Và toàn bộ quá trình 12 tuần này sẽ được chia làm 3 giai đoạn với 11 bước nhỏ trong đấy. Ở bài viết này tôi sẽ tóm tắt ngắn gọn thôi, nếu bạn quan tâm thật sự thì có thể vào trang web của Catalyst tại https://projectcatalyst.org/ hoặc theo dõi các bài blog, vlog khác của tôi sẽ có nhiều chi tiết hơn. Các giai đoạn gồm:

Tạm dịch là giai đoạn sáng tạo. Ở giai đoạn này tôi sẽ chia làm 3 nhóm chính dưới đây:

      • Nhóm 1, bao gồm bước gọi là Ideation: đây là quãng thời gian mà mọi người trong cộng đồng sẽ chia sẻ insight, ví dụ, quan điểm, kinh nghiệm… về đủ thứ theo định hướng của dự án Catalyst và các challenge. Với tôi, tôi thấy nó nhằm mục đích kích phát và thúc đẩy các nhà phát triển ứng dụng, hay giải quyết vấn đề gặp phải trong hệ sinh thái Cardano để người đề xuất ý tưởng nhận định và quyết định về ý tưởng mà họ sắp để xuất để giúp ích cho cộng động thế nào. Nhưng tôi nghĩ rằng đa phần các dự án cải thiện về cơ sở hạ tầng của Cardano & dự án Catalyst thì hoạt động theo kiểu này. Còn các dự án ứng dụng thì các team đa phần chuẩn bị từ trước rồi.
      • Nhóm 2, bao gồm 3 bước chủ yếu dành riêng cho các team ý tưởng là Submit proposals, Refine proposals & Finalize proposals. Mục đích chủ yếu là để họ trình bày ý tưởng của họ và chỉnh sửa nó theo góp ý của những thành viên trong cộng đồng rồi nộp nó để được đánh giá ở phần sau. Lợi ích của bước này đặc biệt là ở phần nhận xét. Khi bạn đưa proposal của mình lên trên cho cộng đồng xem, thì họ sẽ nhận xét để bạn chỉnh sửa lại cho nó phù hợp với tiêu chí và cũng giúp cho ý tưởng thực thi tốt hơn nữa.
      • Nhóm 3, bao gồm 2 bước rất quan trọng quyết định “sống chết” của proposal đấy đó là Assess proposals & Review the reviews. Cả 2 bước này nhằm phục vụ mục đích duy nhất đó là giúp các voter ở giai đoạn sau vote cho các dự án đáng được đầu tư. Khác với các tổ chức tập trung, họ sẽ chi tiền cho một team để ngồi khảo sát từng dự án một về ý tưởng đó có phù hợp với hệ sinh thái không, kế hoạch đó có khả thi không, có cách gì để cân đo đong đếm và theo dõi tiến độ của dự án khi nó được fund không. Thì Catalyst project chọn phát triển 2 vị trí là Community Advisor (CA) để review các proposal theo một barem tiêu chí có sẵn và veteran Community Advisor (vCA) để review lại các review của CA có hợp lý không, ổn không. Với tôi, việc phát triển một cộng đồng như thế này sẽ rất tốt cho việc xử lý hàng trăm, thậm chí hàng ngành proposal trong mỗi đợt fund một cách hiệu quả nhất. Bạn thấy đấy, nó là phi tập trung.

Giai đoạn này có 3 bước nhỏ, và chỉ đơn giản là cộng đồng đăng ký để vote cho các dự án thôi. Họ sẽ cần phải có số ADA tối thiểu trong ví của mình để được vote. Và sức ảnh hưởng của họ dựa vào tổng số ADA họ ký gởi. Sau khi vòng fund kết thúc thì số ADA của họ sẽ được trả lại chứ không hề mất đi. 

Là giai đoạn cuối cùng của một vòng fund. Cuối giai đoạn này voter và các proposal được duyệt sẽ được thưởng và phân phối tiền cho họ chạy dự án theo kế hoạch. Và tất nhiên, họ phải cập nhật thông tin tiến trình thực thi dự án mỗi 2 tuần cho cộng đồng nắm rõ.

Toàn bộ các bước trên đây đều được thực thi trên ideascale.com một cách tự động và phân tán mà không chịu sự chi phối của bất kì tổ chức nào.
Cá nhân tôi thật sự thích mô hình này và sẽ áp dụng nó vào hệ sinh thái của mình trong tương lai. Vì việc sử dụng cộng đồng để đánh giá và lựa chọn ý tưởng phát triển, vô hình chung thì sẽ giúp cho:
  • Những người phát triển dự án phải cố gắng chuẩn bị thật kỹ nội dung và kế hoạch thực thi cho nhiều người xem và đánh giá. Hơn nữa, họ đã có sẵn hướng dẫn rồi, chỉ cần cung cấp đủ thông tin theo hướng dẫn đấy là đã lấy được điểm cơ bản rồi. Khác với những cách kêu vọi vốn khác, bạn không biết nhà đầu tư đấy thích kiểu trình bày gì, hoặc là “vị” của nhà đầu tư đấy là gì. Ở đây, dù ý tưởng bạn có thuộc lĩnh vực nào đi nữa thì vẫn có người đánh giá và giúp bạn hoàn thiện proposal tốt hơn.
  • Phù hợp với sự phát triển & nhu cầu của cộng đồng. Các dự án bạn đề xuất đều phải nằm trong một “challenge” và mỗi challenge như vậy đều nói rõ nó ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng, đến hệ sinh thái. Nếu ý tưởng đấy không phù hợp thì sẽ bị loại. Và điều này phần này giúp cho dự án được duyệt đánh giá được rằng ý tưởng của họ sẽ có người dùng, sẽ có khách hàng vì nó phù hợp với những gì mà cộng đồng đang cần.
Tuy nhiên, để thực sự đưa dự án Catalyst đến được thành công và có những cải thiện xuất sắc như ngày hôm nay – vào lúc tôi viết bài này thì đang là cuối vòng fund thứ 7 – chúng ta phải kể đến công lao lớn lao của cộng đồng CA. Ở trên tôi cũng có nói sơ qua về họ rồi, thì nhiệm vụ của CA là đánh giá các proposal để cho voter dựa vào đấy mà vote hoặc upvote dự án – điều mà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc dự án đấy có được tài trợ hay không.
Tuy nhiên, để là một CA tốt không hề dễ, và một CA xuất sắc và tạo ra giá trị lớn cho hệ sinh thái Cardano thì lại không dễ dàng tí nào.
 
Vào lúc này, khi viết bài blog này, tôi cũng đang ngồi xem những nhận xét – ý kiến của các CA trong group telegram, nơi không chỉ để chia sẻ quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm mà nó còn là nơi các CA cải thiện cho hệ thống và dự án Catalyst ngày càng tốt hơn, sạch hơn và khỏe khoắn hơn. Với việc phát triển một dự án cộng đồng thì khối lượng công việc không hề nhẹ tí nào.

Community Advisor

Vậy rốt cuộc thì một Community Advisor (CA) họ sẽ làm gì?

Tôi sẽ phân việc của họ ra làm 2 nhóm chính:
  1. Đánh giá proposal
  2. Xây dựng và phát triển dự án Catalyst tốt hơn
Trước khi đi vào chi tiết thì tôi tiết lộ cho bạn biết rằng công việc của một CA rất thú vị, bản thân tôi thấy nó có nhiều lợi ích cho những ai muốn phát triển kỹ năng, kiến thức của mình về blockchain khá tốt vì các lý do như:
  • Bạn sẽ được học hỏi nhiều

    học từ các proposal, học từ kiến thức bạn phải đi tìm tòi để đánh giá các proposal, học cách tổ chức nến bạn tham gia các nhóm tổ chức vào các vòng funding. Và bạn sẽ trở thành một người khá là toàn năng trong việc biết kiến thức, kỹ năng tổ chức, kỹ năng viết proposal, với người Việt ta thì còn tăng khả năng ngôn ngữ nữa.

  • Bạn sẽ được tìm hiểu cái mà bạn thích

    có hàng trăm, hàng ngàn dự án được chia thành các mảng, các chủ đề khác nhau. Bạn có quyền lựa chọn mảng mà mình thích và tham gia vào đấy. Việc tập trung vài mảng sẽ giúp bạn có kiến thức sâu hơn, tốt hơn và có được những đánh giá cho dự án tốt hơn. Lúc này bạn sẽ thành chuyên gia của mảng đấy lúc nào không hay.

  • Quan trọng, bạn có tiền!

    Nếu làm cái mình thích, học được kiến thức mà không có tiền để sinh hoạt thì cũng dẹp. Nhưng khi làm CA, bạn sẽ có một nguồn thu nhập không hề nhỏ tí nào. Đối với fund6, việc đánh giá một dự án mà ở mức độ tốt bạn sẽ được thưởng gần 90$, còn bình thường thì tầm 30$. Nếu bạn có tiếng anh tốt thì tôi tin chắc rằng trong vòng 30' - 1h là bạn có thể đánh giá cho một dự án mà mình có kinh nghiệm trong đấy rồi. Còn tiếng anh chưa tốt thì có thể lâu hơn, 2-3h chẳng hạn. Tuy nhiên, mức thưởng như vậy thì cũng khá cao so với thu nhập trung bình của người Việt Nam rồi.

Còn khá nhiều điều thú vị như tôi thấy 3 điều trên là những thứ mà chúng ta có thể cảm nhận được ngay và thấy ý nghĩa cực kì. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên. Nó cũng không quá đơn giản mà bạn phải đầu tư.

Đánh giá Góp ý cho proposal

Việc đánh giá proposal của CA được dựa trên một hướng dẫn rất rõ ràng với các tiêu chí rõ ràng. Và tất nhiên bạn phải đánh giá với tinh thần khách quan chứ không phải thấy thích cái ý tưởng đấy, thấy nó hay hay là đánh giá tốt, mà không thích thì đánh giá không tốt. Tôi sẽ trình bày chi tiết hơn trong vlog về công việc CA của tôi trên youtube. Ở đây tôi xin vắn tắt ngắn gọn. Việc đánh giá một dự án được đề xuất trên Ideascale cần phải có cả 3 tiêu chí:

Tiêu chí này nhằm mục đích chính là đánh giá ý tưởng có phù hợp với hướng đi của hệ sinh thái Cardano trong hiện tại và tương lai hay không. Tất nhiên, bạn không thể đánh giá theo cảm tính của mình mà phải dựa vào Challenge Setting mà dự án đấy đề xuất ở trong đấy. Mỗi Challenge setting sẽ có những tiêu chí để xem xét, đánh giá dự án đấy có phù hợp, có “cùng tiếng nói” với challenge đấy không. Ví dụ như challenge đấy để giải quyết các vấn đề về môi trường mà bạn đề xuất một ứng dụng về hẹn hò, thì nó chả liên quan gì cả và sẽ bị đánh điểm thấp ngay.

Dù là ở tổ chức nào đi nữa thì việc đánh giá kế hoạch của một dự án nó có thực thi được không, nó có thực tế để làm không là điều tối quan trọng. Ở phần này bạn sẽ phải đi sâu chi tiết vào bảng kế hoạch mà team dự án viết trong proposal, bạn sẽ đánh giá nó với các tiêu chí nhỏ như roadmap, timeline, budget… rất là chi tiết và cụ thể. Bạn phải thể hiện rõ rằng lời nhận xét của mình về dự án là có lý do rõ ràng. Ví dụ như roadmap đấy nó không hợp lý bởi vì theo kinh nghiệm của bạn ở bước này nó thiếu cái gì, hoặc là kế hoạch này có quá nhiều lỗ hổng mà bạn phải nói cho mọi người rõ ràng rằng nó sẽ là một thiếu xót hoặc gây ra nhiều trở ngại khi thực thi. Và ngoài ra thì việc đánh giá feasibility còn dựa vào những tài liệu mà team cung cấp, thông tin thành viên của team để đánh giá về họ nữa. 

Đây là một dự án cộng đồng, và các dự án sẽ được cộng đồng quyết định tài trợ. Vì vậy, cộng đồng cần thấy được dự án chạy thế nào sau khi được tài trợ. Do đó, trong proposal phải có đầy đủ các thông số hoặc những nội dung thể hiện được điều đấy. Việc của CA là cần xác định những yếu tố đó có có không và có hợp lý không, có thể hiện rõ không hay là mập mờ và thiếu xót, khó để theo dõi dự án. 

Trông thì có vẻ là dễ, nhiều bạn – ngay cả tôi – lúc đầu cũng nghĩ rằng chỉ cần xem xét các tiêu chí đấy có có không rồi nêu ý kiến và cho điểm thôi. Tuy nhiên không hề đơn giản tí nào. Nếu chỉ đơn giản như vậy thôi thì bạn không thể đi dài với vị trí CA được, và một lý do khác là nếu bạn làm tốt hơn thì mức thưởng của bạn sẽ nhân 3 so với bình thường. Tội gì không cố gắng chứ?

The Fact

Để là một CA tốt không hề dễ, và một CA xuất sắc và tạo ra giá trị lớn cho hệ sinh thái Cardano thì lại không dễ dàng tí nào.

Trong clip đi sâu về cách hiểu principle của việc CA tôi sẽ chỉ rõ cho bạn thấy rằng điểm khác biệt giữa các mức độ CA khác nhau. Nhưng nói một cách đơn giản thì khi bạn làm CA, bạn chỉ cần:

  • Khách quan, công bằng

    không thiên vị ý tưởng, thiên vị proposer, hay thiên vị từ ngữ, nội dung trong proposal. Việc đặt mình khách quan bạn sẽ góp ý để team có được một proposal tốt hơn cho hệ sinh thái.

  • Mình là CA

    bạn có nhiệm vụ là đi khuyên cho proposer để họ làm ra một proposal tốt hơn, đồng thời giúp cho voter đánh giá proposal đấy để upvote hoặc downvote. Vậy thì hãy chỉ làm tốt vị trí của mình thôi. Đừng nên gợi ý team cải thiện ý tưởng, hãy gợi ý họ cải thiện proposal thể hiện ý tưởng của chính họ.

Xây dựng Phát triển dự án Catalyst tốt hơn

Ngoài việc nhận xét các proposal thì đây là công việc mà nhiều CA sẽ cực kỳ quan tâm. Vì đây là một cộng đồng phi tập trung, dự án phi tập trung do đó thành viên trong cộng đồng sẽ là người phát triển cho chính cộng đồng, dự án của họ.
Họ sẽ là người nhận ra những vấn đề, những thứ cần cải thiện và đề xuất, rồi cùng giải quyết.
 
Hiện tại thì Catalyst project còn non trẻ nên có rất nhiều vấn đề mà cộng đồng CA phải xoắn quần áo lên mà chung tay xử lý chứ không chỉ làm mỗi công việc đánh giá dự án không – và điều đó mới thực sự thể hiện đúng cái chức danh Community Advisor của họ.
 
Lúc này đây, khi tôi đang viết dòng này thì tại group CA đang thảo luận về những vấn đề và giải pháp để CA được trả thưởng công bằng hơn, hay những cách chống bot tự động làm việc CA, hay tránh những hành vi hoặc hoạt động thâu tóm của một nhóm nào đấy trong việc đánh giá các dự án… có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết và các vấn đề đấy đều được nhiều người quan tâm.

LỜI KẾT

Có lẽ sau bài viết này bạn sẽ quan tâm một tí về dự án, về vị trí CA, về những giá trị mà CA nhận được thực tế thế nào. Tôi sẽ chia sẻ thêm nhiều thứ chi tiết hơn ở những bài blog hoặc vlog khác chứ bài tới đây là dài lắm rồi, đọc buồn ngủ lắm. Và nếu có gì thắc mắc thì bạn cứ comment ở đây, tôi khuyến khích chat ở đây để mọi người cùng thấy - cùng thảo luận. Hoặc có gì thầm kín thì liên hệ trực tiếp với tôi qua facebook là được, tôi sẽ cố gắng trả lời bạn trong vòng 12h chứ nhiều khi không trả lời liền được.

Write A Comment