Tag

Brainstorm

Browsing

Dùng cho việc: giải quyết vấn đề, tìm kiếm insight, brainstorming…
Không dùng cho: mindmaping tự kỉ, sáng tạo thần thánh…

  • Bất kì ai cũng sáng tạo được hông?
  • Hết hứng có sáng tạo được hông?
  • Ngồi 1 bầy có sáng tạo được hông? Hay đứa tự kỉ, đứa oánh đứa kia!

Sáng tạo là gì?

Theo tiếng anh thì: nó liên quan tới sự tưởng tượng của mình hoặc là liên quan tới một phiên bản (ý là sự vật, sự việc, ý tưởng) gốc, đặc biệt là trong ngành hội họa. Vậy là sự sáng tạo có thể xuất phát điểm từ một vật, hiện tượng có sẵn. Nó có vấn đề gì đó cần sửa – cần cải thiện và mình “sáng tạo” ra cái mới.

Vậy là nó cũng gần gần như giải quyết vấn đề nhức nhối hoặc đáp ứng kì vọng xa hơn của mình với sự việc đó. Nói chung là cũng tựa tựa giải quyết vấn đề.

Mà… giải quyết vấn đề thì trước tiên phải có vấn đề nhỉ? Vấn đề ở đâu giờ?

Thường thường nếu mình hàng ngày đắm chìm trong nó thì sẽ thấy nhiều vấn đề lắm – đó là tự nhiên nó ra. Còn mà một sự vật sự việc gì đó bất chợt ngồi mổ xẻ thì cũng gần như gọi là “đi tìm vấn đề để giải quyết nó” – đó là ta phải đi tìm cho ra nó.

Lang mang một hồi, vậy … làm thế nào để sáng tạo?

Theo như trên thì mình tóm lại thế này:

  1. Phải có vấn đề (thấy hoặc moi ra) trước. Rồi mới nghĩ tới chuyện sáng tạo để giải quyết nó sau.
  2. Sáng tạo không phải là ngồi đẻ ra cái mới 100% hoàn toàn (mà chuyện này mấy chục năm mới có 1 lần) – mà có thể làm từ cũ thành mới.
  3. Một nùi vấn đề đưa ra. Thì thường ta có thể giải quyết 1 cái gì đó be bé là xong cả mớ vấn đề. Vậy mình giải quyết cái gì cho nó có tính hệ thống?

Do đó để mà ai cũng sáng tạo được, lúc nào cũng sáng tạo được, một bầy nhoi nhoi cũng sáng tạo được mà lại có hệ thống thì có thể làm như dưới đây. Đây là mô hình mình tự thử nghiệm – đập – làm lại vài lần và áp dụng hơn 2 năm qua. Chả biết ở đâu có không. Chả biết kiến thức sách vở nó có chuyên môn gì không. Cho nên nông rân tui xin phép nói theo kiểu bà ngoại hiểu chứ không có hoa mĩ !

  1. Tìm
    • Tìm mở rộng
    • Tìm điều kiện
  2. Lọc
    • Lọc tầng mặt
    • Lọc sâu
  3. Giải quyết vấn đề

1. TÌM

Ở đây không phải là tìm “vấn đề” mà nó chỉ là tìm. Thường thì bản thân ta, hay nhân viên hay bị “đặt mức hạn chế” suy nghĩ chỉ nằm trong một khoanh vùng chỉ vì: cái nhìn của sếp, điều kiện quá chi tiết, hỏi nhiều, có 1 thằng to mồm trong team… mà một vấn đề nhiều khi có thể giải quyết bởi 1 yếu tố nào đấy nằm ngoài ngành, một sự sáng tạo có thể được thiết kế từ một mảng nào đó “tré ngoe” với cái sản phẩm lúc đầu mà chả ai nghĩ ra. Vì vậy, ta phải tìm. Vậy để làm được điều này thì ta có thể áp dụng phương pháp:

Anonymous Brainstorming

Nó đơn giản là cả nhóm đưa ra ý tưởng mà chả biết ý tưởng đó là của ai cả. Bạn cứ cho cả đám ngồi chung với nhau, mỗi đứa cầm 1 xấp sticky notes, bảo tất cả ngậm ngập mồm kẹo, đứa nào mà nói – rớt 1 viên kẹo là phải liếm cho sạch bàn – để tụi nó im re mà làm, không có đứa nào to mồm, không có đứa nào áp chế đứa nào, không đứa nào làm sợ, làm đóng khung đứa nào trong cái suy nghĩ. Đứa nào cũng sẽ mộng mơ và đưa ra những ý tưởng siêu việt –> yên tâm, bước sau lọc lại!

Thằng sếp hoặc project owner, hoặc project manager phải ngồi im, cũng phải ngậm mồm từ đầu tới cuối buổi.

Ngoài việc hỏi và tính điểm ra thì cấm có đánh giá một câu một chữ nào. Vì anh mà oánh giá vậy thì lần sau nhân viên anh chỉ nhìn mặt anh, nhớ lại cảnh tượng lần trước của anh và đưa ra ý tưởng mà thôi. Thế là lại đóng khung nhân viên vào rồi.

Mở đầu

2 việc ở trên phải làm trước. bây giờ mình mới “mở đầu” cho các bạn tham gia bằng 1 vài ví dụ để các bạn hiểu được rằng “Ờ! Tao có quyền mơ mộng lang mang!” – “Ờ! Sáng tạo là thế đấy!” … bằng cách sau:

  1. “Hãy đưa ra ví dụ những đồ vật giống ly cafe ở The Coffee House” Chú thích: “Không được hỏi gì thêm!”
  2. Cho các bé 5p để ngồi viết ra tất tần tật mọi thứ.
  3. Các bạn ấy thường sẽ bị rập khuôn nặng nhất là về hình dáng, chức năng trước mắt… nhưng một số cái như màu sắc, chất liệu, tính năng cơ bản thiệt cơ bản thì lại không để ý.

Ví dụ:

  • (lvl 1) giống ly cafe ở Highland, giống ly uống nước của em ở nhà
  • (lvl 2) giống chai nước suối, giống chai coca (hình dáng)
  • (lvl 3) giống chai coca (nước ở trong màu đen), giống chén xì dầu
  • (lvl 4) giống cái chén, giống cái dĩa (để đựng)
  • (lvl 5) giống cái quạt (để được trên bàn), giống cái nhà (đứng được)… đấy. Mà phải giải thích được nhé!

Sau khi các bạn ồ lên thích thú thì chúng ta chơi lại trò đấy vài lần nữa với vật phẩm bình thường hàng ngày. Và sau đó là công việc.

  • Tìm mở rộng: tức là tìm như cách trên kia.
    Thí dụ yêu cầu: “nhìn cái túi cafe lọc giấy và nghĩ những thứ xung quanh nó”
    Kết quả: nhân viên văn phòng, cafe hột, chồn, hộp giấy, nước màu đen, say cafe, học sinh thi, làm việc đêm…

    Và các bạn giữ lại những cái đấy để chắc chắn sau này sẽ sử dụng trong quá trình làm việc tới MỌI THỨ liên quan.
    Thí dụ như bên dịch vụ mình chạy thì 1 cục này có thể làm insight khách, làm ý tưởng content, làm ý tưởng video…
  • Tìm điều kiện: Cho nhân viên mỗi đứa 1 ly cafe. Và giờ đặt điều kiện.
    Tất nhiên, brainstorm lại chứ không cho lấy những ý tưởng trên kia đưa xuống dưới này.
    Thí dụ yêu cầu: “nhìn cái túi cafe lọc giấy và nghĩ những thứ xung quanh SỰ TIỆN LỢI CỦA NÓ”
    Kết quả: nhẹ, dễ mang, độc lạ, tặng quà, nhanh, nhân viên văn phòng, event, teabreak…

2. LỌC

Trăm cái idea, giờ phải lọc chứ, lọc để nó ra cái cần phải xử lý. Chứ trăm cái xử lý hết trăm thì thôi nghỉ khỏe nhé. Đừng tham!

Nói tới lọc/filter thì chúng ta phải có tiêu chí/criteria để mà lọc.

  • Chứ không có phải là lọc “theo ý sếp” – sếp lúc này câm như hến rồi.
  • Cũng không phải là lọc theo “ý khách hàng” – khách hàng đưa mình cái bảng brief rồi mình xử thôi, đừng có kéo vào coi chừng chết.

Do đó điều đầu tiên là đưa ra cái tiêu chí thế nào để lọc. Mà việc đưa ra tiêu chí để lọc nó sẽ xuất hiện 2 bước lọc.

  1. Lọc nông hay là lọc tầng mặt
  2. Lọc sâuNhưng để làm cho đúng, thì tiêu chí của lọc sâu phải đưa ra trước.

Sau đó tiêu chí của lọc nông mới dựa vào đó mà đưa ra sau. Vẫn có thể làm ngược lại được – nếu được cho phép sáng tạo bay cao bay xa và bay luôn. Mà thường thì khách hàng không thích điều này :)))

i> Lọc nông:

Đơn giản nó là lọc sơ sơ, tiêu chí không quá khắc khe – nhưng có nói ở trên nó vẫn phải theo một cái sườn của lọc sâu để hỗ trợ cho việc lọc sâu.

Thí dụ mình có 100 cái idea. Giờ mình lọc xuống còn 20 cái idea. Thì sẽ có các cách lọc sau:

  1. Cấp 1: 100 xuống còn 50 -> Tiếp tục lọc 50 xuống còn 20
  2. Cấp 2: 100 xuống 3 cục 30 – 30 – 40. Tiếp tục lọc cục 30 (hoặc 40) xuống còn 20.

Như đã nói ở trên, phải có tiêu chí trước khi lọc thì mới biết là nên chọn cục nào. Để đánh giá tiêu chí thì có thể “định lượng cảm tính” theo người tham gia với thang điểm 5 hoặc 10. Và có thể đánh giá từng tiêu chí một hoặc cả nùi tiêu chí một lần (tui khuyến cáo là cả nùi 1 lần)

Quay lại cái cafe ở trên. Giờ cho tiêu chí là tiện lợi, dễ dàng, đơn giản. Thì chúng ta có thể đánh giá kiểu này:

  • Cấp 1: Dễ mang: tiện lợi -> 5 điểm, dễ dàng -> 5 điểm, đơn giản -> 5 điểm Say cafe: tiện lợi -> 0 điểm, dễ dàng -> 0 điểm, đơn giản -> 0 điểm Hộp giấy: tiện lợi -> 4 điểm, dễ dàng -> 1 điểm, đơn giản -> 4 điểm
  • Cấp 2: Dễ mang: tiện lợi, dễ dàng, đơn giản -> 4 điểm (đơn giản vậy thôi)

Đây là cách 1 người đánh giá 1 ý tưởng theo các tiêu chí đưa ra. Cho cả dàn oánh giá xong thì tính trung bình cộng lại. Top 50 thì giữ lại, rồi lại lọc tiêp cho tới khi còn 20.

ii> Lọc sâu

Đơn giản, nhiều tiêu chí hơn, sát với yêu cầu khách hàng hoặc của mình hơn. Và thường với cách này các tiêu chí PHẢI đánh giá từng cái một. Với lọc kiểu này thì mình hay sử dụng với tầm 10 ý tưởng là quá nhiều rồi. Với những phương pháp lọc này tốt nhất mọi người nên dùng GOOGLE FORM & SHEET để mà tính nhé. Đừng có dại khờ mà ngồi tính tay ? Công nghệ sinh ra để mình làm nhanh hơn cả trăm lần đấy.

3. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Lọc xong rồi thì giờ giải thôi. Một cái vấn đề mà muốn giải cho nó thấu tình đạt lý thì nó tùy cái sự WISE/Thông thái của người giải/team giải/ thằng leader giải.

  • Nếu mà anh chỉ là 1 anh ghiền kĩ thuật, thì anh đã bị ép vào cái khuôn kĩ thuật.
  • Nếu anh là 1 thằng thuần kinh tế, thì lại bị ép vào kinh tế…

Vì vậy tới lúc này mới cần gặp những anh chàng mà biết rộng (không cần sâu) nè. Họ sẽ cho mình những cái ý tưởng xung quanh nó (nó cũng giống bước TÌM ) và mình bắt đầu mình lọc.

Hoặc đơn giản là cũng chơi trò Anonymous Brainstorming để khai thác từ các team chuyên môn. Rồi mình quyết định giải quyết kiểu gì. Hoặc cần thiết thì lại lựa chọn phương pháp theo kiểu trên luôn cũng được – cho nó có căn cứ. Nhưng bản thân tui thì thấy tới đây được rồi.

Điều cuối cùng tất cả vẫn là sự lựa chọn. Vì mình có đưa ra khảo sát thị trường thì nó cũng chưa chắc đúng. Và để an toàn nhất thì sử dụng LEAN WORKING để xử lý nó. Hông biết thì google đi ?

Trên đây là 1 phần trong qui trình sáng tạo của mình đã xây dựng. Nói 1 phần vì cái phần này nó dành cho team thực thi.

Còn bước đầu tiên ở dưới đây thì nó dùng cho “khách hàng” – phải nói là không nên show cho team, chỉ mỗi leader biết thôi nhé.

  1. Brief
  2. Brainstorm (dạng phễu)
  3. Lựa chọn và thử
  4. Đánh giá
  5. Chạy nếu ok yêu cầu – quay lại bước 1 nếu ko ok (đó là khách) còn mình ko ok thì quay lại bước 2 được rồi.

Sau tất cả. Đây là phương pháp để dành cho việc sáng tạo chuyên môn. Tức là nó có định hướng chuyên môn trong đấy. Còn việc sáng tạo mới mẻ hoàn toàn – dạng như nghệ thuật. Thì bạn phải tự thân biết hòa vào thiên nhiên xung quanh, thực sự thì bước hòa nhập vào thiên nhiên nó cũng giống như bước 1 – nó là TÌM. Cứ tìm mọi ngóc ngách thay vì ta phải rập khuôn mình.

Tại sao có người ngồi quán cafe, người thì lại ngồi toilet, người thì đi xe máy, người thì trong buồn tắm… mới ra ý tưởng? Vì nó hợp với tần số của họ, và họ TÌM ra được. Hoặc có người phải thí nghiệm cả ngàn lần, sống cả đời với nó… chung qui lại vẫn là TÌM.

Mà tìm ở xung quanh mình ấy. NHIỀU LÚC, suy nghĩ của một kẻ không có chuyên môn lại giải quyết được trăm việc của thằng có chuyên môn chuyên nghiệp. Đặc biệt là trong khởi nghiệp: bạn mà đi áp dụng mấy cái qui trình to tổ chảng chuyên nghiệp – ISO các kiểu thì sấp mặt nhé. Hoặc thuê chuyên gia về thì cũng đốt tiền thôi. Vì sao? Vì họ được đào tạo trong một mô hình kiểu mẫu, còn khởi nghiệp thì…

Tool tủng cho mấy cái này làm cho lẹ có hết nha. Đừng có mà ngồi tính bằng tay nha. Offline bằng sticky note được thì càng tốt, nhưng mà tầm 5-6 đứa thôi. Nếu mà offline/online cả 20-30 đứa thì xài công cụ khác nha.